Thứ Năm, 23 tháng 6, 2016

Ông bố Nhật “bắt” con uống rượu, câu chuyện bố mẹ Việt nào cũng nên đọc và suy ngẫm

Câu chuyện ông bố Nhật hạ quyết tâm dạy con này nhận được hơn 4 vạn like vì bất kỳ ai cũng có thể đồng cảm, nhất là những ai đã làm con và đã có con.


Nếu so với những người mẹ chăm lo cho con từng miếng ăn giấc ngủ, dạy con học mỗi ngày, tình cảm của người bố thường ít được nhắc đến hơn, có thể do đàn ông thường cứng rắn và lạnh lùng hơn phụ nữ, dành ít thời gian ở nhà hơn… nhưng thế không đồng nghĩa với tình cảm của những người bố dành cho con cái mình ít hơn, đặc biệt là với các cô “con gái rượu”. Với con gái, những người cha có tình cảm tự hào và trách nhiệm che chở, bảo vệ đặc biệt… có thể thể hiện bằng sự nghiêm khắc cực kỳ, hoặc âm thầm ân cần phía sau hỗ trợ.



bố và con gái

Bố đối với con có thể nghiêm khắc, lạnh lùng, nhưng đằng sau đó là tình cảm ấm áp, yêu thương không kém gì tình yêu của mẹ. (Ảnh: Internet)



Trong một tweet đã nhận được hơn 4 vạn like từ cộng đồng mạng Nhật Bản, là cách một người bố dạy con gái mình cách giữ an toàn trong thế giới không an toàn:


“Khi còn trẻ, tôi có chút nổi loạn. Tuy rằng chưa đến mức dính vào những rắc rối nhưng tôi chơi với bạn ‘xấu’ và làm những điều ngốc nghếch. Khi đến tuổi có thể uống rượu bia, tôi nghĩ bố mẹ khá lo lắng về mình nhưng không biết phải làm sao. Họ biết rằng dù họ có nói gì đi nữa, tôi cũng sẽ chỉ làm những gì mà mình muốn.


Cuối cùng, một ngày nọ, bố bảo với tôi rằng:


‘Reiko, đi uống rượu với bố! Bố sẽ đưa con đến bất cứ nơi nào con muốn, con gọi gì cũng được.’


Như bất cứ người trẻ tuổi nào trong tình huống như thế này – bố rủ uống rượu – tôi không mấy thích thú. Nhưng đồng thời, tôi cũng tò mò về cuộc sống về đêm, cuộc sống của những người trưởng thành mà tôi chưa biết đến.


Thế là tôi đi cùng bố, chỉ có hai bố con. Và bố bảo:


‘Hãy uống cho thỏa thích đi Reiko, cho đến khi nào con không thể uống được nữa. Bố chắc chắn sẽ đưa con về, con không cần phải lo bất cứ gì hết.’


Nghe chính miệng bố mình nói rằng ‘hãy uống cho thỏa thích’ tạo nên cảm giác thật lạ lùng. Mẹ có nổi điên lên với tôi không nếu tôi về nhà mà say khướt? Nhưng tôi không lo lắng quá nhiều. Bố nói sẽ cho tôi uống bất cứ gì mà tôi thích, tôi không thể nào bỏ qua cơ hội như thế này.


Điểm đến đầu tiên của hai bố con là một nhà hàng thịt nướng. Cô phục vụ ở đó nghĩ tôi là bạn gái của bố, và bố cũng chẳng buồn đính chính, thậm chí còn vui vẻ hùa theo.


Điểm đến thứ hai là một bar, tôi uống vài ly, và mọi người đều bắt thóp được trò đùa của bố giả vờ tôi là bạn gái của bố. Nhưng điều đó chỉ khiến bố vui hơn. Bố vui vẻ đổ tại mắt tôi trông y hệt như mắt bố nên mới bị lộ.


Điểm đến thứ ba là một nhà hàng sushi. Chú đầu bếp ở đây rất tốt bụng, và có chút ghen tị khi nói rằng với những người làm cha mẹ, việc được cùng đi chơi với con cái như việc bố và tôi đang làm thật sự là một giấc mơ. Bố tôi xúc động và khuyến khích tôi cứ tiếp tục ăn và uống, vì đây thật sự là một cơ hội hiếm hoi dành cho cả hai bố con.


Điểm đến thứ tư là một quán rượu, tôi không nhớ được gì nhiều… mình đã uống gì và nói về chuyện gì…


Điểm đến thứ năm, một quán ven đường. Thật sự tôi không thể nhớ được gì, gần như chắc chắn là tôi đã gục ngay tại quầy.


Bố gọi taxi và đưa tôi về nhà, đến lúc đó, tôi mới tỉnh lại được một chút:


‘Xin lỗi bố, con say mất rồi.’


‘Không sao, con cứ ngủ đi.’


Buổi sáng hôm sau, tôi thức dậy và cảm thấy thật tệ. Không chỉ là cảm giác khó chịu sau khi say mà còn là sự xấu hổ vì đã uống quá nhiều trước mặt chính bố mình. Tôi không muốn phải đối mặt với bố sau trận say xỉn tối qua.


Nhưng khi tôi ra phòng khách, bố đã đi làm. Và mẹ đưa cho tôi mẩu giấy mà bố đã viết cho tôi, ở mặt sau một tờ quảng cáo. Bố viết rằng:


‘Gửi Reiko. Tối hôm qua thật sự rất vui con gái ạ, thỉnh thoảng bố con mình lại nên làm lại nhé. Và Reiko này, con có biết tối qua, con đã uống bao nhiêu trước khi không còn biết trời trăng gì nữa không? Hai chai bia và năm chai rượu nhẹ. Đó là giới hạn của con. Vậy nên từ giờ về sau, khi đi uống với bạn bè, hãy nhớ chắc rằng con sẽ dừng trước khi tới hạn đó. Thế giới này có người tốt và cũng có những người xấu, có những người sẽ muốn lợi dụng con. Bố không thể luôn ở bên cạnh để bảo vệ con, đó là lý do vì sao bố lại dẫn con đi uống rượu, để con biết được giới hạn của mình, để tự bảo vệ mình. Bố biết con có thể làm được điều đó. Yêu con, bố.”


Và tôi đã ăn bữa sáng của mình trong nước mắt như vậy.


Mẹ nói rằng mẹ và bố đã lo lắng rất lâu, nghĩ mãi về chuyện nên nói với tôi về điều này thế nào là tốt nhất. Và thay vì cấm đoán tôi những điều biết chắc tôi sẽ bướng bỉnh không nghe, bố quyết định sẽ tự cho tôi thấy cách chăm sóc chính mình.


Và bởi vì điều đó, tôi biết ơn bố. Nhờ vào quyết định và điều mà bố đã làm, tôi chưa bao giờ vượt quá giới hạn của mình, chưa bao giờ gặp phải bất cứ vấn đề gì với rượu bia. Tôi vẫn có thể vui chơi cùng bạn bè nhưng chưa bao giờ bị tổn hại và lợi dụng, nhờ thế.



bố và con gái

Nhờ chỉ một bài học của bố, Reiko không bao giờ phải ở vào tình huống xấu hổ vì rượu (Ảnh: Internet)



Giờ, đã nhiều năm trôi qua, bố tôi không còn ‘ngầu’ như trước. Bố đã già. Người đàn ông từng dẫn tôi đi uống rượu quanh thành phố đã trở thành người chỉ thích dành thời giàn làm vườn, trồng rau cho con cháu ăn.


Tuy vậy, con vẫn muốn nói với bố rằng, con được như ngày hôm nay là nhờ có bố. Và con không biết cám ơn bố sao cho đủ.”


Dễ thấy vì sao chia sẻ này lại nhận được nhiều sự tán đồng đến vậy, bởi ai trong chúng ta cũng đều là những người con, dù yêu thương nhưng từng có những lúc cãi lại bố mẹ, cho rằng họ không hiểu mình nên cứ thế nổi loạn, chỉ suy nghĩ cho bản thân và chỉ làm những điều mà mình muốn. Nhưng rồi, ta đã, đang và có thể cũng trở thành bố mẹ, và đó là lúc hơn bao giờ hết, ta thấm thía việc hiểu được, dạy được, bảo vệ được cho tài sản quý giá nhất của mình khó khăn đến mức nào, nhất là khi “tài sản” ấy bước vào giai đoạn không là trẻ con nhưng cũng chưa hẳn là người lớn. Dù khó khăn nhưng ai cũng cần hiểu rằng yêu nhau không có nghĩa sẽ giữ chặt lấy nhau mà phải có cả những lần có thể buông tay cho va vấp!

(Theo Afamily)


Nguồn ==> Ông bố Nhật “bắt” con uống rượu, câu chuyện bố mẹ Việt nào cũng nên đọc và suy ngẫm

"Tròn mắt" trước cách nuôi dạy con không giống ai của bố mẹ Đức

Không chỉ nổi tiếng với cách dạy con tự lập khiến cả thế giới kinh ngạc, những bậc phụ huynh ở Đức còn có thể khiến bạn không khỏi tròn mắt ngạc nhiên với những phương thức nuôi dạy con khác lạ và cực thú vị sau đây.


Luisa Weiss là chủ nhân trang blog The Wednesday Chef và cuốn sách My Berlin Kitchen. Cô mang 2 dòng máu Mỹ – Ý nhưng sinh ra tại Berlin, Đức. Năm lên 2 tuổi, Luisa chuyển về Boston (Mỹ) cùng bố khi bố mẹ cô ly dị. Hiện Luisa đang sống ở Berlin cùng người chồng tên Max và con trai Hugo năm nay 3 tuổi. Sống ở Đức đã được 3 năm, bà mẹ này đã khám phá ra rất nhiều điều thú vị trong cách nuôi dạy con của những ông bố bà mẹ người Đức.




Luisa và cậu con trai Hugo năm nay 3 tuổi.


Hãy cùng xem những chia sẻ của bà mẹ này về cách nuôi dạy con ở Đức nhé:

Sân chơi cát phổ biến khắp thành phố

Ở Berlin có rất nhiều khu vui chơi cho trẻ em, ngay cả ở trung tâm thành phố. Ở đây có những mô hình bằng gỗ và được xây trên cát. Trải cát dễ chịu hơn nhiều so với vụn gỗ hay thảm cao su được thấy ở Mỹ. Vào mùa hè, bạn có thể cởi giày và (nếu nhắm mắt lại) bạn sẽ cảm giác như mình đang đi nghỉ mát. Mọi người đều mang theo xe đẩy đựng xẻng và xô. Vì thế ngay cả khi chỉ có 2 mẹ con, đến sân chơi sẽ giúp nhóc tỳ bạn vui thích.



Những khu vui chơi ngoài trời nơi trẻ có thể nghịch cát thế này rất phổ biến ở Đức.


Trẻ không học đọc trước 6, 7 tuổi

Đức là nước sản xuất nhiều đồ chơi nổi tiếng thế giới, từ đồ chơi gỗ Selecta, Haba & Hess cho đến các mẫu mô hình Playmobil và mô hình động vật Schleich (Hugo – cậu con trai của Luisa rất thích chơi món này). Các cửa hàng đồ chơi thường có rất nhiều món đồ an toàn, được làm từ rất ít nhựa. Còn với sách vở, không có nhiều loại sách đọc cho trẻ dưới 3 tuổi. Trẻ con ở đây không học đọc cho đến khi chúng đi học lúc 6 hoặc thậm chí 7 tuổi.


Mỗi trẻ đều có một chiếc xe đạp

Có một điều đặc biệt là người dân ở đây rất thích những chiếc xe đạp địa hình không có bàn đạp hoặc bánh phụ. Mỗi trẻ đều có riêng một chiếc xe đạp. Vì họ quan niệm rằng điều quan trọng là một khi bạn học được cách giữ thăng bằng, bạn sẽ có thể lái xe đạp được. Bạn sẽ trông thấy có rất nhiều trẻ em tầm 3 -4 tuổi đi xe đạp rất cừ.



Người Đức lại thích cho trẻ đi những chiếc xe không bàn đạp thế này.


Bữa ăn gia đình truyền thống

Người Đức có truyền thống ăn một bữa nóng (hot meal) vào buổi trưa và một bữa ăn lạnh (cold meal) vào bữa tối. Hầu hết trẻ em đều ăn tối cùng bố mẹ với những chiếc sandwich trần (open-faced sandwich, gọi là Abendbrot, hoặc bánh mỳ bữa tối). Bạn chỉ cần có vài lát bánh mỳ đen, bơ, một miếng pho mát cho mỗi lát bánh, giăm bông hoặc xúc xích ở lát bánh khác. Thêm một vài miếng dưa chuột, cà chua hoặc su hào, thế là có một chiếc sandwich truyền thống ngon lành rồi.



Bữa ăn truyền thống của các gia đình Đức.


Dạy trẻ biết phản kháng và bảo vệ bản thân

Luisa kể rằng khi Hugo được 2 tuổi, vợ chồng cô đã có buổi họp phụ huynh với giáo viên ở nhà trẻ. Cô giáo nói: “Tôi có chút lo lắng về việc thằng bé hòa nhập với những đứa trẻ lớn tuổi hơn”. Khi Luisa hỏi tại sao, cô ấy nói: “Cậu bé cần phải học cách phản kháng nhiều hơn nữa. Khi những đứa trẻ khác đến lấy đồ chơi, thằng bé không làm gì cả. Thằng bé cần phải lấy lại đồ chơi hoặc chiến đấu lại. Giáo viên chúng tôi không thể lúc nào cũng đi đấu tranh cho thằng bé được”.


Luisa đã rất ngạc nhiên bởi vì chuyện này quá khác biệt với những gì mà cô được dạy khi còn nhỏ. Ở Mỹ, cô được dạy rằng phải biết chia sẻ, phải biết thỏa hiệp. Còn ở Đức, tất cả đều là sự tự giác và đấu tranh cho quyền lợi của bạn.



Trẻ em Đức từ nhỏ đã được dạy cách phải tự đứng lên bảo vệ cho bản thân.


Khi những người bạn Đức đến chơi, Hugo muốn chơi một món gì đó với các bạn, còn các bạn bè Đức thì nói với con họ “Nào, giành lại đi! Con không muốn chơi cùng bạn đúng không ? Đến lấy lại đồ chơi đi”. Điều này không phải là gây gổ hay xấu tính gì cả mà là cách họ dạy con biết phản kháng và bảo vệ chính mình.


Bố mẹ Đức nói không với kiểu dạy con “trực thăng”

Đối với người Đức, tuổi thơ là khoảng thời gian của tự do và hạnh phúc. Vì thế, sẽ không có gì là lạ nếu bạn thấy những đứa trẻ thường hay đi bộ, đạp xe một mình đến trường và về nhà và thậm chí là đôi khi tự mua bánh ăn sáng cho cả gia đình.


Khi đứa trẻ được khoảng 7- 8 tuổi, bố mẹ chúng sẽ khuyến khích chúng tự chủ nhiều hơn. Người Đức rất coi trọng tính độc lập ở trẻ em, điều này có một chút bỡ ngỡ với những ai từng được nuôi dưỡng trong một gia đình Mỹ.



Các phụ huynh Đức rất tôn trọng quyền tự do của con cái.


Kiểu dạy con này được duy trì trong những năm tháng vị thành niên ở trẻ. Những cô cậu tuổi teen ở Đức đều có những buổi đến nhà nhau ngủ qua đêm. Khi bạn trên 14 tuổi và có người yêu, bạn có thể được phép ngủ qua đêm ở nhà người yêu và không hề bị giám sát. Các bậc phụ huynh rất thoải mái và tin tưởng con, đó là cả một nền tảng đúc kết từ sự tự chủ và lòng tin.

(Theo Afamily)



Nguồn ==> "Tròn mắt" trước cách nuôi dạy con không giống ai của bố mẹ Đức